Quy đổi mác bê tông sang cấp độ bền bê tông

Trương Huyền 41 0 10758

Cấp độ bền bê tông là một trong những yếu tố quan trọng cần quan tâm khi thực hiện xây dựng công trình. Vậy cấp độ bền bê tông là gì, có quan hệ với mác bê tông như thế nào? Vietnamarch mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Mác bê tông, cấp độ bền bê tông là gì?

Theo tiêu chuẩn TCVN 3105:1993, mẫu dùng để đo cường độ là một mẫu bê tông hình lập phương có kích thước 150 × 150 × 150 mm được dưỡng hộ trong điều kiện tiêu chuẩn 28 ngày sau khi bê tông ninh kết. Sau đó được đưa vào máy nén để đo ứng suất nén phá hủy mẫu, đơn vị tính bằng MPa (N/mm²) hoặc daN/cm² (kg/cm²).

Mác bê tông là thuật ngữ có từ lâu đời đến nay dùng để chỉ cường độ chịu nén của mẫu bê tông có dạng khối lập phương 15cm. Mác bê tông được ký hiệu bằng chữ M, tính theo chuẩn đơn vị kg/cm2.

Theo tiêu chuẩn TCVN 5574:2018 của Việt Nam thì thuật ngữ “cấp độ bền bê tông” sẽ dùng thay thế cho “mác bê tông” trước đây. Cấp độ bền bê tông là yếu tố được xác định bởi cường độ và thành phần của bê tông, nó biểu thị cường độ tối thiểu của bê tông phải có sau 28 ngày kể từ ngày xây dựng ban đầu.

Cấp độ bền bê tông được hiểu theo phép đo MPa, trong đó M là viết tắt của hỗn hợp và MPa biểu thị cường độ tổng thể. Cấp độ bền bê tông được ký hiệu là B.

Quy đổi mác bê tông sang cấp độ bền bê tông > Cấp độ bền bê tông

Cấp độ bền bê tông

2. Công thức liên hệ, tương quan giữa cấp độ bền bê tông và mác bê tông, bảng quy đổi mác bê tông sang cấp độ bền bê tông

Cấp độ bền bê tông và mác bê tông thể hiện sự tương quan theo công thức:

B = αβM

Trong đó:

+ α là hệ số đổi đơn vị từ kg/cm2 sang đơn vị Mpa, có thể lấy α bằng 0,1.

+ β là hệ số chuyển đổi từ cường độ trung bình sang cường độ đặc trưng với v = 0,135 thì β = (1 – Sv) = 0,778.

Trong nhiều hồ sơ thiết kế, thay vì ghi mác bê tông 100#, 200#,… mác bê tông được ghi theo cấp độ bền B (ví dụ B7.5, B10, B12.5,…). Hiện nay ở Việt Nam, người ta vẫn sử dụng hai khái niệm cấp độ bền bê tông và mác bê tông một cách song song dựa theo bảng quy đổi mác bê tông sang cấp độ bền bê tông từ TCVN 5574:2012 dưới đây:

Quy đổi mác bê tông sang cấp độ bền bê tông > Bảng quy đổi mác bê tông sang cấp độ bền bê tông

Bảng quy đổi mác bê tông sang cấp độ bền bê tông

Kết cấu bê tông tại chỗ được coi là đạt yêu cầu về mác thiết kế (quy định trong thiết kế) khi giá trị trung bình của từng tổ mẫu (mác thực tế) không được nhỏ hơn mác thiết kế, nhưng đồng thời phải không có mẫu nào trong các tổ mẫu có kết quả thí nghiệm dưới 85% mác thiết kế.

3. Cách chọn cấp độ bền bê tông phù hợp với công trình

Chọn cấp độ bền của bê tông phù hợp với công trình sẽ dựa trên yêu cầu của kết cấu thiết kế. Thường sẽ có 2 loại bê tông là bê tông danh nghĩa và bê tông thiết kế.

  • Bê tông danh nghĩa là bê tông trộn bằng tay, đây là những loại bê tông được sử dụng cho các công trình xây dựng quy mô nhỏ, những nơi đòi hỏi tiêu thụ bê tông không quá cao.
  • Bê tông thiết kế là bê tông tươi, đây là loại bê tông thường được dùng cho các công trình xây dựng quy mô lớn và nó mang lại tính kinh tế cao, đây là loại bê tông có tỷ lệ thu được thông qua các thử nghiệm khác nhau được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Sử dụng bê tông thiết kế yêu cầu kiểm soát chất lượng tốt trong quá trình lựa chọn vật liệu, trộn, vận chuyển và đổ bê tông.
Quy đổi mác bê tông sang cấp độ bền bê tông > Chọn cấp độ bền bê tông phù hợp với công trình

Chọn cấp độ bền bê tông phù hợp với công trình

4. Quy định về lấy mẫu bê tông

Theo tiêu chuẩn Việt Nam về thi công và nghiệm thu bê tông và bê tông cốt thép toàn khối hiện hành – TCVN 4453:1995 – thì việc lấy mẫu được quy định như sau:

– Đối với bê tông thương phẩm thì ứng với mỗi mẻ vận chuyển trên xe (khoảng 6÷10 m³) phải lấy một tổ mẫu, tại hiện trường công trình trước khi đổ bê tông vào khuôn;

– Trường hợp đổ bê tông kết cấu đơn chiếc, khối lượng ít (<20 m³) thì lấy một tổ mẫu;

– Đối với kết cấu khung và các loại kết cấu mỏng (cột, dầm, bản, vòm…) thì cứ 20 m³ bê tông phải lấy một tổ mẫu;

– Đối với bê tông móng máy khối lượng khoang đổ (phân khu bê tông) > 50 m³ thì cứ 50 m³ bê tông lấy một tổ (nếu khối lượng bê tông móng máy ít hơn 50 m³ vẫn phải lấy một tổ);

– Các móng lớn, thì cứ 100 m³ lấy một tổ mẫu, nhưng không ít hơn 1 tổ mẫu cho mỗi khối móng;

– Đối với bê tông nền, mặt đường (đường ô tô, sân bay,..) thì cứ 200 m³ bê tông phải lấy một tổ mẫu (nhưng nếu khối lượng < 200 m³ thì vẫn phải lấy một tổ).

– Đối với bê tông khối lớn:

+ Khi khối lượng bê tông đổ trong mỗi khoang đổ (phân khu bê tông) ≤ 1000 m³ thì cứ 250 m³ bê tông phải lấy một tổ mẫu.
+ Khi khối lượng bê tông đổ trong mỗi khoang đổ (phân khu bê tông) > 1000 m³ thì cứ 500 m³ bê tông phải lấy một tổ mẫu.

>>Xem thêm: Định mức hao hụt bê tông

(Sưu tầm trên internet)

36 đánh giá

Bình luận