4 loại bệnh rất nguy hiểm trẻ dễ gặp – không phải ai cũng biết
Thời tiết nóng ẩm mùa hè là điều kiện rất tốt cho vi khuẩn sinh sôi và truyền bệnh. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra một số bệnh phổ biến như cảm nắng, nhiễm siêu vi, viêm họng, tiêu chảy ở trẻ nhỏ.
1. Cảm nắng.
Cảm nắng hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè, đặc biệt là ở trẻ em hay những người lao động nặng nhọc ngoài trời. Khi bị cảm nắng, người bệnh thường có dấu hiệu mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu…. Trẻ dễ bị cảm nắng do đùa nghịch quá lâu ngoài trời nắng, tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị chấn động, gây ra rối loạn điều hòa thân nhiệt và mất nước cấp. Nhiều trẻ khi bị cảm nắng đã có biểu hiện nặng ngay từ đầu như tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, trống ngực…Khi trẻ bị cảm nắng, cần đưa vào chỗ mát, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở các vị trí có động mạch lớn như nách, bẹn, cổ. Nếu trẻ bị cảm nắng với biểu hiện sốt thì cần hạ sốt cho trẻ càng sớm càng tốt. Cha mẹ nên dung các loại thuốc hạ sốt dành cho trẻ em để dễ uống và đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, cha mẹ cần tránh để trẻ chơi ngoài trời nắng quá lâu và cho trẻ uống nhiều nước để giữ gìn sức khỏe.
2. Viêm họng.
Thời tiết nắng nóng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đường hô hấp ở trẻ em, đặc biệt là viêm họng. Bản thân trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, khi thời tiết nóng, nhiều trẻ thường uống các loại nước lạnh, hoặc ăn các đồ lạnh như kem, sữa chua… nên dễ dẫn đến viêm họng.
Uống nước lạnh làm nhiệt độ ở vùng họng giảm đột ngột. Tình trạng này diễn ra liên tục có thể dẫn đến tổn thương vùng họng, nhất là với những trẻ nhỏ có sức đề kháng kém. Một nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng viêm họng ở trẻ nhỏ là do cha mẹ dùng điều hòa không hợp lý, để nhiệt độ quá lạnh. Nếu không may, cha mẹ để nằm ở nơi luồng gió của điều hòa trực tiếp phả vào người, vào đầu cổ thì sẽ càng tăng nguy cơ viêm họng.
Vì thế, để bảo vệ con không bị viêm họng, cha mẹ cần lưu ý không cho con ăn đồ ăn quá lạnh hoặc để quạt, điều hòa chiếu thẳng vào người con. Khi không bật máy, cần mở cửa phòng cho thoáng khí, thường xuyên vệ sinh máy lạnh để tránh nhiễm bẩn.
3. Nhiễm siêu vi trùng, vi khuẩn.
Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm là điều kiện rất tốt cho vi khuẩn sinh sôi và truyền bệnh. Vậy nên, không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ cũng dễ bị nhiễm siêu vi khuẩn. Khi bị nhiễm siêu vi trẻ có thể có cá biểu hiện bao gồm sốt cao đột ngột (39 -40 độ C), biếng ăn, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, ho, tiêu chảy, nôn ói…Phần lớn trẻ mắc bệnh nhiễm siêu vi sẽ tự khỏi. Vì thế khi trẻ nhiễm siêu vi các bà mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu…
Tuy nhiên, khi trẻ nhiễm siêu vi sốt kéo dài có các biểu như co giật, lừ đừ thay đổi tri giác, thở co lõm, tím tái, sốt quá cao mà không thể hạ sốt, mắt trũng, xuất hiện những chấm phát ban ở da… thì cần đưa trẻ đến nhập viện ngay để tránh những hậu quả nặng nề. Cha mẹ tuyệt đối không được tự dùng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định bác sĩ.
Để trẻ ít có nguy cơ mắc bệnh nhiễm siêu vi, các bậc cha mẹ tránh cho trẻ tiếp xúc với trẻ bệnh không để trẻ chơi ngoài nắng hay đi bơi quá nhiều, bảo đảm vệ sinh ăn uống cho trẻ, môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ.
4. Tiêu chảy.
Vào mùa hè, khí hậu nóng, ẩm là thời kỳ cao điểm các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ, đặc biệt là bệnh tiêu chảy.
Trẻ có thể bị tiêu chảy do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cũng có thể là hậu quả của chế độ ăn không đúng cách như thay đổi thức ăn cho trẻ đột ngột, cho trẻ ăn các thức ăn khó tiêu hóa, ăn quá nhiều… hay do tác dụng phụ của các thuốc kháng sinh sử dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm phổi… Bệnh tiêu chảy thường phát hiện mạnh vào mùa hè khi thực phẩm dễ bị ôi thiu, môi trường nấm mốc phát triển.
Triệu chứng tiêu chảy ở trẻ thường là phân lỏng, nhiều nước, đi nhiều lần trong ngày có thể từ trên 3 lần/ngày thì gọi là tiêu chảy cấp, mùi chua, phân có thể nhầy nhầy, trường hợp bị lỵ phân sẽ có nước lẫn máu (có nghĩa là bị nhiễm trùng tiêu hóa), buồn nôn, nôn ói, kém ăn, mất nước…
Khi trẻ có những biểu hiện như trên, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất của cơ thể. Nếu các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc thấy các triệu chứng nghiêm trọng hơn như: Sốt cao, đau bụng quằn quại, đại tiện ra máu thì cần đưa trẻ đi khám ngay.
Xem thêm:
>>>Cần phải làm gì trong thời gian chờ điểm thi Đại Học 2016 để không bị nuối tiếc?
>>> Dự kiến điểm chuẩn Đại Học 2016 tăng hay giảm – lựa chọn trường như nào phù hợp ?
Nguồn: 24h.com.vn