Kích thước thép hình chữ V là bao nhiêu?
Thép V là tên gọi của sản phẩm thép góc được sử dụng phổ biến trong kết cấu xây dựng, chế tạo, gia công cơ khí… Trong bài viết lần này, Vietnamarch mời các bạn cùng tìm hiểu về thép hình chữ V, ưu điểm, ứng dụng, tiêu chuẩn, kích thước thép hình chữ V… qua bài viết dưới đây nhé!
1. Thép hình chữ V là gì?
Thép hình chữ V còn có cách gọi khác là thép V, thép chữ V, thép góc V, thanh V góc, thép góc cạnh đều… Thép hình chữ V là loại thép hình có tiết diện mặt cắt giống chữ V. Thép hình chữ V được tạo thành bằng cách uốn cong 1 góc 90 độ duy nhất của 1 tấm thép.
2. Phân loại thép hình chữ V
- Thép hình chữ V được phân loại theo công dụng có 3 loại sau: Thép kết cấu thông thường, thép kết cấu hàn và thép kết cấu xây dựng.
- Thép hình chữ V được phân loại theo hình thức chế tạo thì có 2 loại là thép V dập và thép V đúc. Trong đó, thép V dập được dập từ các lá thép tạo thành hình chữ V, có đặc điểm là có độ dày mỏng, góc vuông không hoàn hảo còn thép V đúc được sản suất bằng phương pháp đúc, cán nóng trong nhà máy, có độ dày cao và góc vuông sắc nét hơn.
- Thép hình chữ V được phân loại theo cách xử lý bề mặt thì có 3 loại:
+ Thép hình chữ V đen (Sắt V): Là loại không được xử lý bề mặt, có màu đen của phôi thép, giá thành rẻ được dùng nhiều trong xây dựng dân dụng.
+ Thép hình chữ V mạ kẽm điện phân: Là loại được phủ một lớp kẽm mỏng từ 20 – 30 μm, có đặc điểm là bề mặt sáng bóng, mịn hơn so với thép V mạ kẽm nhúng nóng.
+ Thép hình chữ V mạ kẽm nhúng nóng: Là loại được mạ kẽm dày từ 70 – 90 μm. Lớp mạ kẽm bám trên toàn bộ sản phẩm giúp bảo vệ bề mặt thép khỏi bị ăn mòn bởi các tác nhân oxi hóa.
3. Ưu điểm của thép hình chữ V
- Cấu tạo góc vuông giúp thép hình chữ V có khả năng chống uốn cong rất tốt theo chiều dài của cây thép.
- Khả năng chịu lực tốt, chịu va đập tốt nên hạn chế tối đa tình trạng cong vênh, móp méo.
- Độ linh hoạt cao, dễ dàng vận chuyển, thi công, tháo dỡ, lắp đặt.
- Chất lượng tốt, độ bền cao.
- Giá thành phải chăng.
- Có nhiều kích thước, chủng loại, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
- Có thể chịu được những ảnh hưởng xấu của thời tiết và hóa chất.
- Thép V mạ kẽm, thép V nhúng kẽm nóng có khả năng chống oxi hóa rất tốt, khả năng chống ăn mòn cũng như khả năng chống gỉ sét rất cao.
- Độ bám dính giữa lớp mạ kẽm và lớp thép V sẽ giúp bảo vệ lớp thép một cách an toàn nhất.
4. Ứng dụng của thép hình chữ V
Ứng dụng của thép hình chữ V rất phong phú như:
- Ứng dụng trong các công trình dân dụng, nhà xưởng, nhà máy, xí nghiệp, nhà tiền chế.
- Sử dụng cho các nhà máy hóa chất, dùng làm đường dẫn ống nước, dầu khí…
- Dùng trong công nghiệp cầu đường, đóng tàu.
- Sử dụng để sản xuất máy móc, làm chi tiết máy trong kỹ thuật.
- Sử dụng để đóng thùng xe, chế tạo xe cơ giới.
- Xây dựng nhà ga, cột điện, cầu thang.
- Ứng dụng trong nông nghiệp, cơ khí động lực, làm mái che sử dụng để trang trí, làm thanh trượt, chế tạo đồ nội thất trong gia đình, trong siêu thị, phòng trưng bày…
>>Xem thêm: Kích thước thép hình chữ H là bao nhiêu
5. Mác thép hình chữ V, tiêu chuẩn thép hình chữ V
Hiện nay các mác thép hình chữ V phổ biến trên thị trường có thể kể đến như A36, SS400, Q235B, S235JR, GR.A, GR.B.
Sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tê như tiêu chuẩn ASTM của Mỹ, tiêu chuẩn JIS G3101 của Nhật Bản, tiêu chuẩn KD S3503, GB/T 700, EN10025-2, A131,…
6. Kích thước thép hình chữ V
Theo TCVN, thép hình chữ V hiện nay được sản xuất là một cây thép có chiều dài phong phú như 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 (m). Nhưng trong thực tế thì thép hình chữ V có hai kích thước dài phổ biến là 6m và 12m, trong đó V2 – V8 thường có độ dài 6m còn V8 trở lên thì thường dài 12m. Độ dày từ 3mm đến 24mm tùy thuộc vào mục đích sử dụng.
Thép hình chữ V có các kích thước cạnh (AxB) đa dạng: V 20×20, V 25×25, V 30×30, V 35×35, V 40×40, V 45×45, V 50×50, V 60×60, V 65×65, V 70×70, V 75×75, V 80×80, V 90×90, V 100×100, V 120×120, V 125×125, V 130×130, V 150×150, V 175×175, V 180×180, V 200×200, V 250×250.
(Sưu tầm trên internet)